0935.892.131

Thông số Mâm xe ô tô: Cách đọc thông số của Dân kỹ thuật

Để chọn được một bộ mâm chuẩn kích thước và tránh các rủi ro cho khách khi đăng kiểm, người kỹ thuật viên sẽ cần nắm rõ các thông số của một chiếc mâm. Về cơ bản mâm xe ô tô có những thông số sau:

#1. Hãng mâm

Hãng mâm là tên thương hiệu của nhà sản xuất ra bộ mâm. Một số thương hiệu mâm cao cấp trên thị trường có thể kể đến Vossen (Mỹ), BBS (Đức), OZ Racing (Italy),... hoặc các thương hiệu bình dân hơn như Lenso (Thái Lan), Stamford (Thái Lan),… Hiện nay trên thị trường có tới 90% là mâm nhái, được sản xuất hàng loạt và cà lại thương hiệu của các hãng lớn. Do đó nếu đang tìm mua mâm chính hãng, bạn cần cẩn trọng lựa chọn các nhà phân phối uy tin để tránh mua phải hàng giả.

#2. Đường kính vành xe (Rim Diameter)

Thông số này khá quen thuộc do là một phần của kích thước lốp xe. Đó là khoảng cách tính bằng inch đo từ mép ngoài của mâm đến vị tri đối xứng bên kia.

Thông thường, các xe sẽ được nhà sản xuất quy định kích thước lốp nhất định tương ứng với đường kính vành nhất định. Tuy nhiên trong một số trường hợp, chủ xe muốn thay đổi kích thước lốp (độ lốp) nếu có sự thay đổi của R (Ví dụ 15″ lên 16″) thì mâm xe cũng phải thay đổi theo mà không thể dùng lại bộ mâm cũ.

#3. Độ rộng vành xe (Rim Width)

Độ rộng vành xe là khoảng cách giữa 2 vành mâm tính bằng đơn vị inch.

Thông số này sẽ được cân nhắc so với độ rộng của lốp. Nếu mâm quá nhỏ so với lốp, khi lắp lên lốp sẽ bị phồng lên, biến dạng sang 1 bên, rất nguy hiểm khi vào cua nhanh. Mặt khác, vành rộng quá mức sẽ khiến thành lốp ôm không khít với mâm, ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động của lốp.

#4. Độ nhô của mâm (Offset – ET)

Độ nhô của mâm là khoảng cách (mm) dọc theo trục bánh xe tính từ đường chính giữa mâm – Wheel Center đến mặt ngoài của mâm. Thông số này chủ yếu liên quan đến tính thẩm mỹ, tuy nhiên cũng cần cân đối để đảm bảo không bị cọ xát với hệ thống phanh, chắn bùn hoặc các bộ phận khác.

Thông số này có thể dương hoặc âm, ET càng nhỏ thì điểm chính giữa mâm càng thụt vào trong (vành mâm càng lồi ra ngoài). Thường các mâm bán tải, xe đua có ET khá nhỏ, thậm chí <0 để mang lại phong cách thể thao hơn.

#5. Đường kính lỗ định tâm (Center Bore – CB)

Ở chính giữa mâm luôn được thiết kế một lỗ trống để đặt trục bánh xe. Center Bore là đường kính tính bằng mm của lỗ trống này.

Kích thước lỗ đặt này cần khớp với đường kính trục. Nếu bé hơn trục, mâm không thể lắp vừa lên xe. Ngược lại, nếu kích thước lỗ này quá lớn, trọng lượng chịu tải sẽ không đặt tại trục mà dồn lên các bu lông. Trong ngắn hạn, xe sẽ gặp tình trạng rung lắc còn về lâu dài, các bu lông chịu phải chịu nhiều lực sẽ yếu dần.

Với các mâm sản xuất theo xe, kích thước lỗ đặt sẽ được làm chuẩn theo đường kính trục xe. Tuy nhiên, với các mâm sản xuất hàng loạt, nhà sản xuất chỉ thiết kế một số kích thước nhất định và thường khá rộng để lắp được cho nhiều loại xe. Để khắc phục nhược điểm trên, các kỹ thuật viên sẽ phải dùng thêm Vòng định tâm (vòng sơ mi) để chèn vào giữa trục và lỗ định tâm này.

#6. Đường kính vòng Bulong (Pitch circle diameter – PCD)

PCD cũng là một thông số cực kỳ quan trọng quyết định mâm có lắp được lên xe không, thường được xác định bằng số lỗ bu lông và đường kính vòng bu lông (tính bằng mm).

PCD của một số xe phổ thông: 4×100, 4×108, 5×112, 5×114.3, 6×139.7,…

Tùy mỗi xe sẽ quy định thông số PCD nhất định, khi thay mâm phải khớp tuyệt đối. Ví dụ xe sử dụng kích thước mâm 5×114.3 thì không lắp được mâm có PCD là 4×114.3 hay 5×112,… Bắt buộc dùng thông số 5×114.3.

#7. Thời gian sản xuất

Tương tự như lốp, trên lazang sẽ được in thông tin về thời điểm mâm được xuất xưởng. Bằng cách xem ở mặt sau, bạn có thể nắm được tháng/ năm sản xuất của mâm. Tuy nhiên, mâm không bị lưu hóa cao su như lốp và cũng được sơn một lớp bảo vệ bên ngoài nên thường không bị ảnh hưởng bởi thời gian.

#8. Phân biệt các loại mâm

Theo cấu tạo

  • Mâm nguyên khối (1 mảnh): Phổ biến nhất, giá rẻ hơn loại 2 mảnh, 3 mảnh
  • Mâm 2 mảnh, 3 mảnh: Thường chế tạo riêng cho các dòng cao cấp, giá thành khá cao

Theo chất liệu

  • Mâm sắt (truyền thống): Nặng, tiêu hao nhiều nhiên liệu hơn, kém thẩm mỹ hơn, giá thành rẻ.
  • Mâm nhôm: Nhẹ, độ cứng cao hơn, thiết kế thời thượng, giá thành cao tương đối
  • Mâm cacbon: Siêu nhẹ, chỉ dùng cho sản xuất các mâm cao cấp, giá thành cực cao.